Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta; là khâu đột phá nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta; là khâu đột phá nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ, từng bước nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật.
Nhà nước tăng cường đầu tư để phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn; từng bước “Chuyển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Khu kinh tế Hải Phòng cho biết: ngay từ khi Đề án được triển khai, Trường Trung cấp nghề Thủy Nguyên đã là những đơn vị được phân công thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhằm thực hiện thành công chủ trương xây dựng nông thôn mới và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện cũng như của Thành phố. Khi được UBND thành phố điều chuyển về trực thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế và đổi tên thành Trường Trung cấp Khu kinh tế Hải Phòng, Trường tiếp tục được lựa chọn triển khai kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn hàng năm.
Với lợi thế là đơn vị đào tạo trực thuộc Ban quản lý Quản lý Khu kinh tế - thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật, nên việc kết hợp giữa đào tạo nghề cho lao động nông thôn với giải quyết việc làm cho các đối tượng sau đào tạo đạt tỷ lệ cao.
Hiện Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng có 20 khu công nghiệp, quy mô trên 22.000 ha. Trong đó, có 13 khu công nghiệp, khu chức năng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, cấp giấy chứng nhận đầu tư để triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư (gồm 9 khu công nghiệp, khu chức năng trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 4 khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế. Khu kinh tế Hải phòng tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn, khẳng định là điểm đòn bẩy phát triển kinh tế của thành phố.
Cùng với sự gia tăng của các dự án đầu tư, số lượng doanh nghiệp và lao động làm việc trực tiếp trong các Khu công nghiệp, Khu kinh tế tại Hải Phòng cũng tăng lên hàng năm. Hiện nay, các khu công nghiệp, Khu kinh tế trên địa bàn thành phố đang thu hút gần 133.000 lao động, trong đó có trên 3.000 lao động là người nước ngoài và trở thành môi trường việc làm hấp dẫn và sẽ tiếp tục thu hút lực lượng lao động lớn, tham gia vào việc giải quyết việc làm và thực hiện chính sách xã hội của thành phố. Một trong nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo sự phục vụ cho sự phát triển lâu dài và bền vững chính là hình thành nguồn nhân lực có chất lượng cả về ý thức, tác phong, tay nghề ngày càng đặt ra những yêu cầu và các thách thức mới.
Triển khai thực hiện Quyết định số 1342/QĐ-UBND ngày 10/8/2010 của UBND thành phố phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố Hải Phòng đến năm 2020”, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Trường Trung cấp Khu kinh tế Hải Phòng đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Sau 11 năm thực hiện Đề án, đã có 2.220 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề tại Trường, trong đó nghề phi nông nghiệp là 1.100 lao động, nghề nông nghiệp là 1.120 lao động, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt từ 85% trở lên, đặc biệt từ 2015 khi trường được chuyển về Ban Quản lý Khu kinh tế, cơ bản 100% lao động đào tạo nghề phi nông nghiệp được giới thiệu vào làm việc tại các khu công nghiệp, Khu kinh tế qua đó góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực công nghiệp, dịch vụ của huyện Thủy Nguyên từ 71,26% năm 2010 lên 82,84% năm 2020.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng khẳng định có được kết quả trên là do sự chỉ đạo sát sao của các sở, ngành, đơn vị chuyên trách, sự nỗ lực vào cuộc của toàn thể lãnh đạo, giáo viên, nhân viên Nhà trường... nhằm khai thác hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ, tạo sự gắn kết của lao động nông thôn với chính quyền địa phương, qua đó huy động tối đa nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn để xây dựng kế hoạch, danh mục nghề đào tạo.
Theo khảo sát của Nhà trường, qua 11 năm thực hiện Đề án, lao động nông thôn sau khi được đào tạo nghề đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyên môn nghề được đào tạo vào quá trình sản xuất, đồng thời có định hướng phát triển nghề nghiệp, sản xuất theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế gia đình. Trong đó, đối với nghề nông nghiệp như: chăn nuôi gà, lợn hữu cơ; trồng rau hữu cơ; trồng bầu, bí, dưa chuột; kỹ thuật sản xuất hoa, cây cảnh, non bộ,.. với mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên đáng kể so với chỉ trồng rau, cấy lúa và chăn nuôi đơn thuần. Nhiều học viên là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo đã thoát nghèo, số lượng học viên sau học nghề về mở trang trại, gia trại, nhà vườn không ngừng tăng, trong đó có những lao động từ hộ gia đình có mức sống trung bình trở thành hộ có mức sống khá tại địa phương.
Đối với các nghề phi nông nghiệp, đảm bảo quán triệt “không tổ chức đào tạo khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của lao động sau khi học nghề”, Nhà trường đã phối hợp với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp VSIP và các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn huyện mở lớp đào tạo các nghề đảm bảo trúng và đúng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp.
Một số nghề sau khi kết thúc khóa học, 100% học viên được Trường giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp có uy tín như Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam đối với nghề May công nghiệp, Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng đối với nghề Điện công nghiệp, Công ty TNHH suất ăn công nghiệp Bảo Châu đối với nghề Kỹ thuật chế biến món ăn, Công ty Liên doanh đúc cơ khí Vidpol đối với nghề Hàn,... với mức thu nhập bình quân đầu người tối thiểu đạt từ 6 triệu đồng/tháng, cao hơn thu nhập bình quân của lao động trên địa bàn huyện, tỷ lệ đáp ứng kiến thức, kỹ năng của người lao động được doanh nghiệp tuyển dụng đánh giá là đạt yêu cầu đặt ra chiếm 85%.
Đến nay nhiều học viên từ nền tảng kiến thức đã được đào tạo tại Trường theo Đề án 1342 đã nắm giữ những vị trí tổ trưởng, tổ phó phân xưởng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được nói trên, Trường cũng nhận thấy đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn một số hạn chế như: Do môi trường văn hóa nông thôn nên khi tham gia khóa học, một số lao động nông thôn có tác phong, ý thức và mục tiêu học nghề còn rất hạn chế, ngoài ra do nhu cầu lao động của thành phố tăng nhanh, nên về giai đoạn gần đây, số học viên ngày càng khó tuyển dụng, hầu hết có độ tuổi ngoài 30, năng lực học tập yếu, độ tuổi của người học không đồng đều, thời gian đào tạo ngắn dẫn tới chất lượng đào tạo chưa được chuyên sâu, nên chưa đáp ứng được yêu cầu đối với doanh nghiệp cần lao động có tay nghề cao. Đối với lao động nghề nông nghiệp, do hoạt động nông nghiệp thu nhập thấp và bấp bênh, việc có những đột phá về năng suất, cải tiến sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp của các đối tượng sau đào tạo chưa đáp ứng được như Đề án kỳ vọng, các hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn theo hướng nhỏ lẻ, hộ gia đình, công nghệ canh tác đơn giản,…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Hiệu trưởng nhà trường đề nghị thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành, địa phương quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, xã hội, của cán bộ, công chức xã và lao động nông thôn về vai trò của công tác đào tạo nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn; lồng ghép các chương trình hỗ trợ lao động nông thôn phát triển sản xuất với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.